Cài đặt Ubuntu server 20.04 LTS

Ubuntu Server là hệ điều hành mã nguồn mở phổ biến, được ưu tiên chọn cho các hệ thống máy chủ lớn trên thế giới. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt Ubuntu chi tiết bằng hình ảnh.

Chuẩn bị

 Tải về file ISO Ubuntu server tại trang chủ https://releases.ubuntu.com/20.04/.

 Hiện tại đã có bản cao hơn là 21.10 tuy nhiên mình vẫn lựa chọn 20.04 LTS(Long Term Support) vì phiên bản này nhận được sự hỗ trợ dài hạn. Với phiên bản thường bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ cập nhập phần mềm trong vòng 2 năm, tuy nhiên với LTS sẽ là 4 năm.

 Phiên bản LTS hoạt động có tính ổn định cao, cộng đồng người dùng đông đảo.

 Với Desktop, bạn có thể sử dụng bản thường để nâng cấp liên tục cũng không vấn đề gì. Nhưng với server, yêu cầu môi trường hoạt động ổn định cao, thì theo mình LTS là bản lựa chọn hợp lý hơn.

 Ghi file ISO ra đĩa DVD hoặc USB (Rufus, WinSetupFromUSB hoặc balenaEtcher). Nếu cài trên máy ảo thì có thể mount trực tiếp file ISO.

Yêu cầu phần cứng

 Vì phiên bản Server so với Desktop có khác biệt lớn nhất là không có giao diện đồ họa, do đó yêu cầu phần cứng cũng khác nhau.

 Yêu cầu tối thiểu là

 CPU 1GHz trở lên

 RAM tối thiểu 1GHz trở lên

 Ổ cứng còn trống ít nhất 2Gb

Tiến hành cài đặt

B1. Khởi động máy và chọn Boot từ DVD/USB tùy vào bước chuẩn bị trước.
 ★ Chú ý trong quá trình cài đặt: vì quá trình cài đặt trên giao diện dòng lệnh hoàn toàn không có GUI nên không thể sử dụng chuột nên chỉ có thể sử dụng phím Enter, ↑ ↓ → ← để điều hướng, phím Space để chọn.

B2. Lựa chọn ngôn ngữ cài đặt và ngôn ngữ bàn phím, chọn English

B3. Xác nhận ngôn ngữ đã lựa chọn

B4. Tiếp theo là cấu hình card mạng (Network Connections). Nếu máy bạn có nhiều card mạng thì lưu ý cấu hình IP vào đúng tên card mạng.

  • Trên hình ví dụ chỉ có duy nhất 1 card mạng, các bạn bấm Enter để ra menu như hình và chọn “Edit IPv4“.

B5. Configure Proxy
nếu mạng cần proxy để kết nối vào Internet thì khai báo ở đây, không cần thì bỏ trống và nhấn Done để bỏ qua

B6. Cấu hình mirror của Ubuntu, mặc định tùy vào IP của bạn mà hệ thống sẽ tự chọn cho bạn mirror mà nó cho là tối ưu nhất, nếu bạn có mirror tốt hơn, tự nhập vào. Nhấn Done để hoàn thành.

B7. Tiếp đến bước chọn phân vùng ổ cứng cài đặt, nếu muốn nhanh chỉ cần chọn “Use an entire disk” và “Set up this as an LVM group” lúc này hệ thống sẽ tự phân chia cho phù hợp - mà chả biết phù hợp không nhưng hôm mình test trên NAS mới mua về, HDD 250Gb hệ thống chỉ sử dụng 100Gb, về sau phần còn lại mình phải tự phân vùng. Nếu muốn tùy chỉnh riêng các bạn chọn “Custom storage layout” như hình trên.

B7-1. Nếu lựa chọn "Use an entire disk" thì bỏ qua bước này và đi thẳng đến B8. Nếu chọn "Custom storage layout" thì tiếp tục làm theo bước này.

Ở ví dụ này, mình có đĩa dung lượng 20G, máy RAM 4Gb, mình sẽ sử dụng 18Gb để cài đặt hệ thống và 2Gb để SWAP (bằng 1 nửa số lượng RAM thật là OK rồi)
 ★ Chú ý: Việc cài đặt Swap chỉ là một biện pháp dự phòng hết RAM bất ngờ. Do đó, chỉ nên cài Swap với dung lượng tối đa bằng một nửa RAM thật. Tuy nhiên, vì Swap có tốc độ xử lý chậm hơn RAM vật lý rất nhiều nên nếu VPS hoặc Server của bạn đang sử dụng chúng quá nhiều, thì đó là dấu hiệu cảnh báo để nâng cấp RAM ngay lập tức. Ngoài ra, tốc độ đọc ghi của ổ cứng cũng là nguyên nhân thường xuyên dẫn đến việc giảm hiệu năng, phí phạm tài nguyên RAM vô ích.

Chọn "free space" và nhập vào dung lượng sử dụng, định dạng, và mount và nhấn "Create".
 ★ Phân vùng EXT4 và XFS, theo mình tìm hiểu thì XFS có 1 số lợi điểm hơn so với EXT4 như là hạn chế phân mảnh, không cho các snapshot tự động kết hợp với nhau, hỗ trợ file dung lượng lớn ...phù hợp mô hình server media hơn. Mà lại có nhược điểm là không thể shrink - chia nhỏ phân vùng. Nên với server cá nhân của mình, mình lựa chọn EXT4.

 ★ Chú ý: Dung lượng nhập đủ cả dấu "." và "G" thì trình cài đặt mới hiểu chính xác dung lượng bạn cần, nếu không sẽ tự hiểu là dung lượng tối đa của đĩa đó. Mount nhất thiết phải có thư mục gốc "/" để cài vào.

Tiếp theo, tạo phân vùng SWAP, cũng tương tự như vậy.

Xác nhận lại lần nữa, nếu OK thì nhấn "Done", còn chưa ưng thì Reset hoặc Back để làm lại.

Một cảnh báo hiện ra, thông báo toàn bộ dữ liệu trên HDD đó sẽ bị xóa hết, chọn "Continue" để tiếp tục

B8. Đặt tên cho máy chủ, tên đăng nhập và mật khẩu

B9. Enable Ubuntu Advantage, bỏ trắng, nhấn "Done" để bỏ qua. Các bạn có thể tìm hiểu Ubuntu Advantage là gì ở đây.

B10. Cài đặt SSH, chọn "Install OpenSSH Server" để cài SSH, bắt buộc đối với server, phục vụ cho việc truy cập máy chủ từ xa sau này. Nhấn "Done" để tiếp tục.

B11. Chọn thêm một số dịch vụ kèm theo. Sau khi chọn xong, nhấn "Done" để tiến hành cài đặt.

Quá trình cài đặt đang thực hiện

Vậy là quá trình cài đặt Ubuntu Server đã hoàn tất, mình nghĩ quá trình này cũng khá nhanh và không quá khó. Chúc các bạn sớm xây dựng được server riêng của mình.
Nếu có khó khăn hay có câu hỏi gì hãy đừng ngại ngần mà viết comment ở phần bên dưới nhé.
Update: tải về định dạng PDF đọc offline